Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Tố chất cần thiết của nghề nhân sự

Trong những năm gần đây, nghề nhân sự đang trở thành một trong những nghề hấp dẫn bởi vì người làm công tác nhân sự có thể tìm việc ở nhiều công ty/Doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Ngoài những nhiệm vụ cốt yếu của mình, họ có thể tuyển chọn và giữ chân những nhân viên có đủ tiêu chuẩn làm việc cho công ty/Doanh nghiệp, là cầu nối giữa các cấp lãnh đạo với nhân viên công ty…

Tuy vậy, không phải ai cũng có thể trở thành chuyên viên nhân sự chuyên nghiệp và không phải ai cũng có thể thành công với nghề. Những kiến thức bạn được đào tạo ở trường Cao đẳng – Đại học chỉ là nền tảng bước đầu, bạn còn cần có những tố chất mà  nghề nhân sự yêu cầu.
Vậy, những tố chất cần thiết của nghề nhân sự là gì?
Đó chính là sự tận tụy, tính điềm tĩnh, sự chín chắn và cẩn thận, kỹ năng lắng nghekỹ năng đánh giá năng lực của nhân viên; Sự tinh tế trong giao tiếp và quan trọng hơn hết là  mong muốn mỗi cá nhân trong tập thể đều phát triển tốt nhất khả năng của họ.
1. Tận tụy
Đây được xem là tố chất đầu tiên mà người làm công tác nhân sự, đặc biệt là những nhà quản lý nhân sự,những người đang mong muốn trở thành người quản lý nhân sự cần có. Họ cần phải tận tụy với nghề và tận tụy với người lao động trong công ty/Doanh nghiệp.
Tận tụy với nghề được xem như là có trách nhiệm và lòng đam mê với nghề. Họ sẽ không viện ra những lý do cá nhân để lơ là trong công việc. Bên cạnh đó, người làm nghề nhân sự cần hiểu rõ nghĩa vụ của mình với người lao động để có thể quan tâm hơn đến đời sống tinh thần lẫn vật chất của nhân viên công ty.
Chúng ta đã biết, nhân sự là người chăm lo cho lợi ích của toàn thể nhân về các vấn đề như: Chính sách đào tạo, lương bổng, phúc lợi xã hội và cách phải tổ chức bộ máy nhân sự thế nào cho thật hiệu quả. Họ phải hết lòng hết sức, không quản ngại khó khăn để đưa ra nhiều ý tưởng, chính sách có lợi cho người lao động. Ví dụ: Người làm nghề nhân sự nên biết ngày sinh nhật của nhân viên để thay mặt Giám đốc tặng hoa và chúc mừng sinh nhật hay chung vui vào những buổi tiệc cưới của thành viên trong công ty… Tùy theo quy mô của công ty/Doanh nghiệp lớn hay nhỏ để người nhân sự có những chế độ khác nhau cho nhân viên của mình nhưng tin chắc rằng, chỉ cần những cử chỉ nhỏ thôi cũng là chất keo kết dính, giúp nhân viên có động lực làm việc và gắn bó lâu dài hơn với công ty… của bạn.
2. Biết lắng nghe
Nhà nhân sự biết lắng nghe là người luôn nhìn thẳng vào nhân viên đang nói chuyện với bạn, đặt ra những câu hỏi ngược lại cho người lao động và không ngắt lời người nói để biết cách thông cảm với họ.
Ví dụ: Nếu một nhân viên nào đó muốn gặp bạn để nói chuyện, bạn hãy tạm dừng tất cả công việc đang làm dang dở để tiếp họ. Bạn không nên vừa đánh máy hay vừa nhìn chăm chú vào màn hình vi tính vừa nói chuyện với họ, họ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Hoặc khi họ chia sẻ, góp ý về vấn đề gì đó đang xảy ra tại công ty hay góp ý về chính sách phúc lợi… thì bạn nên tỏ thái độ thông cảm với họ. Điều nào tiếp nhận được, bạn nên trình bày với Giám đốc để có được những chính sách phù hợp hơn.
Vì vậy, biết cách lắng nghe nhân viên nói chuyện, bạn sẽ thực sự có nhiều ý tưởng xây dựng cho công ty ngày một phát triển hơn cũng như bạn có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân viên mình hơn.
3. Đánh giá và phát triển khả năng của nhân viên
Một trong những tố chất tiêu biểu của người làm việc trong nghề nhân sự cần có đó là biết cách đánh giá và phát triển khả năng của nhân viên. Trước tiên, bạn cần phải xác định rõ ràng rằng những tài năng hiện có trong công ty/Doanh nghiệp là những người mà bạn tìm kiếm bấy lâu nay. Sau đó, bạn vạch ra kế hoạch đánh giá khả năng của nhân viên ở từng bộ phận khác nhau để so sánh mức độ làm việc của họ có ngang bằng nhau hay không… Từ đó, bạn quyết định được giữ chân ai và cần thay thế ai ở vị trí đó.
4. Cái tâm và tầm nhìn của người làm nghề nhân sự
Đây được xem là tố chất quan trọng và cần thiết nhất của những người làm việc trong ngành  quản lý nguồn nhân lực. Nếu kinh doanh cần có đạo đức kinh doanh, nếu giáo viên phải có cái tâm của người dạy học… thì nghề nhân sự cũng cần phải có cái tâm với nghề. Cái tâm của nghề nhân sự được hiểu là sự hy sinh và quan tâm đến toàn thể nhân viên trong công ty mình.
Những ai đã và đang làm nghề nhân sự cần phải nhớ những đức tính này. Bởi vì, hy sinh là một nghĩa cử cao đẹp để họ thể hiện trách nhiệm và lòng yêu nghề của mình. Họ gạt bỏ mọi lợi ích cá nhân để nghĩ đến lợi ích của từng nhân viên. Ví dụ: Tổng Giám đốc giao chi phí bảo hiểm cho nguồn nhân lực của công ty là 1 tỷ đồng/năm. Nếu người quản lý nhân sự là người có tâm, họ sẽ trả đầy đủ tiền bảo hiểm cho từng nhân viên. Có nghĩa, họ không bớt hoặc trì hoãn việc đóng bảo hiểm cho nhân viên của mình. Làm như vậy, họ đã thực hiện nghĩa vụ của mình một cách công bằng. Hay ông Giám đốc nọ muốn một nhân viên nghỉ vì ông ấy cảm thấy không thích nhân viên đó. Nếu người quản lý nhân sự có tâm, họ sẽ tìm hiểu xem vấn đề xuất phát từ đâu, họ có thể là cầu nối để cho Giám đốc của mình hiểu hơn về nhân viên mà ông muốn đuổi, ngược lại, họ cũng có cách làm cho nhân viên đó biết cách cư xử, cách làm việc hiệu quả hơn… để được công nhận và tiếp tục làm việc. Như thế, người làm nhân sự đã biết hy sinh lợi ích của mình, có thể khiến Giám đốc bực mình… nhưng vẫn sẽ dùng quyền năng và uy tín của mình để phân tích, giải thích cho Giám đốc hiểu hơn về nhân viên đó… Vì vậy, họ là người luôn luôn phải  đứng giữa quyền lợi của chủ doanh nghiệp và  người lao động  họ phải có trách nhiệm làm hài hòa quyền lợi của hai bên chứ không phải mọi việc nhất nhất phải tuân thủ theo chỉ định của Giám đốc.
Ngoài là một người biết hy sinh và quan tâm đến lợi ích của nhân viên, mỗi người quản lý nhân sự cần phải có một tầm nhìn bao quát về phương hướng, chiến lược phát triển của công ty để can thiệp và tận dụng nguồn nhân lực làm việc một cách hiệu quả nhất. Họ chính là người nhận biết được, nhân viên nào sẽ làm tốt công việc đó, vị trí đó. Họ còn là người giúp sức cho Giám đốc nhìn ra được đâu là người Giám đốc cần để phân quyền và quản lý hiệu quả… Không những vậy, tầm nhìn của họ sẽ nhạy bén và sâu sắc hơn khi họ biết “nhìn xa trông rộng” để phân tích các vấn đề trong công ty/Doanh nghiệp. Họ nhân thấy cần phải có những khóa đào tạo để nhân viên đó có thể mở rộng kiến thức, kinh nghiệm để quay về phục vụ cho công ty/Doanh nghiệp của mình. Chính vì vậy, họ sẽ là người kiến nghị lên Giám đốc để phê duyệt về kế hoạch nguồn lực của công ty/Doanh nghiệp trong tương lai…
Trên đây là những gợi ý về các tố chất cơ bản cần có của người làm nghề nhân sự. Bên cạnh đó, còn rất nhiều những tố chất, kỹ năng khác mà người lao động nên biết. Và làm thế nào để bạn có thể thành công trong nghề? Làm sao để bạn tận dụng và phát huy được khả năng của mình trong nghề này?...
-----------------------------------------------------------------------------------------------
Theo www.nguonlucquocte.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét