Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Câu hỏi kỳ diệu để kiểm tra doanh nghiệp đã ứng dụng BSC-KPI hiệu quả!

Một trong các thử thách lớn nhất khi ứng dụng mô hình quản trị mục tiêu theo BSC-KPI là tạo ra sự liên kết chặt chẽ từ cấp quản trị đến cấp nhân viên và tất cả đều hướng chung về các mục tiêu chiếc lược của công ty. Quy mô công ty càng lớn với nhiều lớp quản lý thì việc phân chia và truyền đạt đúng mục tiêu đến từng nhân viên càng khó khăn và dễ sai lệch thông tin. Nên hiện nay một số tổ chức ban đầu chỉ áp dụng mô hình BSC-KPI trong việc quản lý mục tiêu và đánh giá hiệu suất chỉ phân chia mục tiêu đến cấp quản lý cấp trung. Để chia nhỏ xuống nhân viên cần một quy trình triển khai chuyên nghiệp và đồng bộ trên toàn công ty. Không ít doanh nghiệp tại Việt Nam đã triển khai nhiều năm nhưng vẫn không mang lại kết quả mong đợi như mục tiêu ban đầu của dự án.

Nên để kiểm tra nhanh doanh nghiệp của Bạn đã ứng dụng việc quản lý mục tiêu và đánh giá hiệu quả chưa, Bạn hãy đi ngang ngẫu nhiên 3 nhân sự bất kỳ trong lúc họ đang làm việc và hỏi nhanh câu hỏi sau:
“Tại sao Anh/Chị lại đang làm công việc này?”
Một câu hỏi rất đơn giản nhưng bản thân nhân viên đó phải hiểu rất rõ nguyên nhân “tại sao” mình lại làm công việc hiện tại mà không phải công việc khác. Rất dễ rơi vào câu trả lời chung chung là họ được tuyển dụng để làm công việc A,B,C theo miêu tả công việc. Vì việc đó sẽ không giúp nhân viên cảm thấy gắn kết với công ty và bản thân cũng không cần quan tâm công ty đang có những chuyển biến gì ở cấp quản trị. Dần dần nhân viên dễ rơi vào trạng thái “an toàn” rằng mỗi buổi sáng đến công ty chỉ để hoàn thành đúng những công việc được giao. Đổi lại, tại một doanh nghiệp thật sự ứng dụng việc quản lý mục tiêu thành công và truyền đạt hết giá trị và góc rễ của từng mục tiêu nhỏ đến từng nhân viên thì Bạn sẽ thấy viễn cảnh như sau:
  • Nhân viên giao hàng đang rất khẩn trương giao hàng và nhiệt tình trao đổi với khách hàng vì họ hiểu rõ công ty đang thực hiện mục tiêu “Giao hàng nhanh dưới 2 giờ và khách hàng đánh giá trên 8/10 về phiếu đánh giá dịch vụ giao hàng của nhân viên đó”. Nên mỗi ngày, nhân viên giao hàng cảm thấy động lực và hạnh phúc hơn khi tất cả khách hàng đều đánh giá dịch vụ tốt thông qua bảng đánh giá.
  • Nhân viên bảo vệ hết giờ làm, nhưng vẫn trích thêm 15 phút để đi kiểm tra hết công ty xem có phòng nào chưa tắt điện và các thiết bị máy móc khác để đảm bảo an toàn và không hao phí. Vì họ hiểu rằng công ty đang có mục tiêu về “Tiết kiệm chi phí xuống 3% mỗi quý”. Việc anh bảo vệ đang làm sẽ hỗ trợ một phần nhỏ trong mục tiêu lớn của công ty và ảnh hưởng đến kết quả của bộ phận hành chính – nhân sự.
  • Nhân viên kế toán, nhận mục tiêu đảm bảo “số ngày thu hồi công nợ trễ không quá 15 ngày”,nên nhân viên phải lên kế hoạch nhắc khách hàng vào ngày thứ 3 từ khi hợp đồng kết thúc, thiết lập thành quy trình nhắc nhở và thực hiện đúng mỗi ngày để đảm bảo công ty đạt mục tiêu về thu hồi công nợ và đảm bảo tài chính cho toàn công ty. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lương, khen thưởng và quyền lợi của tất cả nhân viên. Một mục tiêu nhỏ của kế toán nhưng sẽ đóng góp rất nhiều cho mục tiêu toàn công ty.
Đây là một vài ví dụ cho viễn cảnh của một tổ chức đang đạt được sự “cân bằng” và thừa hưởng được các giá trị cốt lõi của mô hình quản trị mục tiêu theo BSC-KPI.
Trở về doanh nghiệp của Bạn, có bao nhiêu nhân sự đã thật sự trả lời được câu hỏi trên?
--------------------------------------------------------------------------------------
Theo www.nguonlucquocte.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét