Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Bài toán khó đến Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng phải lắc đầu


Phó Thủ tướng không nói chơi. Bộ trưởng cũng không nói đùa. Còn nhân dân thì chỉ biết là có hai, ba con số khác nhau, dù chỉ cùng một tình trạng.
Có thể, “công chức cắp ô” khác với “không hoàn thành nhiệm vụ”; bởi thực tế, ít người không hoàn thành nhiệm vụ chỉ vì “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Nhưng trong một lĩnh vực cần sự chính xác tuyệt đối như chuẩn nghèo chẳng hạn, lại đang có những khác biệt tính bằng phần trăm.
Tỉ lệ hộ nghèo là một ví dụ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ hộ nghèo của cả nước năm 2012 là 11,1%, trong khi đó cũng là tỉ lệ hộ nghèo – cũng năm 2012 – con số của Bộ LĐTBXH là 9,6%. 1,5% chênh lệch, có nghĩa là hàng trăm ngàn hộ chứ không ít.
Sự tồi tệ của những con số thống kê (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Sự tồi tệ của những con số thống kê (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Ngay chỉ tiêu việc làm, con số Tổng cục Thống kê đưa ra hồi tháng 5 là 1.347.000 người có việc làm mới, còn của Bộ LĐTBXH là 1.520.000. Và nói đến số liệu, không thể không nhắc lại phát ngôn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, rằng số liệu “có thể chưa chính xác, nhưng độ tin cậy về cơ bản có thể chấp nhận được”.
Thế nào là chưa chính xác nhưng có thể tin cậy. Rất khó giải thích.
Hôm qua, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban các Vấn đề xã hội, lại có hàng loạt con số khác nhau được “bêu dương” như những bằng chứng về sự tồi tệ của thống kê.
Mỗi năm, trên báo cáo, hơn 1 triệu lượt người được dạy nghề; nhưng 50% trong độ tuổi 15-34 đang thất nghiệp. Đăng ký thất nghiệp giảm tới 20.000 người; nhưng đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 16.000. Thậm chí, câu hỏi còn được đặt ra với con số đẹp như báo cáo: 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám-chữa bệnh miễn phí.
Trước nghị trường, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Duy Đông bắt đầu bằng câu “bộ trưởng yêu cầu số liệu phải thực”. Ông ”bật mí” “nội bộ cũng cam go với nhau từng con số. Các vụ viện đấu tranh trên tinh thần xây dựng, nhưng cũng rất thẳng thắn”.
Hóa ra, vấn đề là ở chỗ 60% số liệu do Bộ KHĐT công bố, 40% còn lại do các bộ, ngành, địa phương và dù chung tiêu chí đánh giá, cứ hễ có hai cơ quan đánh giá là có những số liệu khác nhau với sai số từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu.
Tất nhiên, những con số dù khác nhau, cũng có những điểm chung nhất định: Đó là sự tù mù. Và những chính sách sau nhiều lần bàn cãi không biết căn cứ vào số liệu nào để ban hành cho sát với thực tế.
Không chỉ chuyện nhân sự ngành thống kê, chính Thứ trưởng Đông thừa nhận “năng lực không thể khẳng định đã đáp ứng được”, với những thông số chênh lệch quá xa như thế, ngay cả GS toán học nổi tiếng Ngô Bảo Châu có lẽ cũng sẽ phải lắc đầu. Rất ít người muốn nói thật, nguyên do địa phương, bộ ngành nào cũng muốn có thành tích là hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, trong các báo cáo gửi Bộ trưởng Nội vụ, một con số được nêu ra: Chỉ có 1% số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ!
(Lao Động)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét