Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

“Ác mộng” tìm việc


TTO - Người tìm việc thường phải chuẩn bị cho những tình huống khó khăn như không được gọi phỏng vấn hay người phỏng vấn khó tính...
Nhưng cũng có những tình huống tồi tệ hơn như sếp hiện tại phát hiện bạn đang đi phỏng vấn hay bạn bất ngờ bị công ty mới từ chối sau khi đã nộp đơn xin thôi việc ở công ty cũ.
Dưới đây là 4 “thảm họa” tiềm năng khi đi tìm việc và cách khắc phục, hi vọng bạn sẽ không bao giờ rơi vào những tình huống như vậy:
Sếp phát hiện bạn đang tìm việc trước khi bạn thông báo
Một số người quản lý sẽ chấp nhận tin bạn đang tìm việc một cách cởi mở, nhưng một số khác lại không như vậy. Họ sẽ coi bạn là người không trung thành, dẫn đến ngừng giao việc cho bạn, hạn chế đầu tư và phát triển cho sự nghiệp của bạn. Thậm chí trong một số trường hợp, họ có thể sa thải bạn. Thực ra không phải nhà tuyển dụng nào cũng hành động như vậy nhưng bạn cần biết kiểu người quản lý mình cần ứng phó là người thế nào.
Nếu sếp biết bạn tìm việc trước khi bạn sẵn sàng ra đi, giải pháp tốt nhất là không được nói dối. Sếp cần nhìn nhận bao quát vấn đề. Nếu bạn nói dối rằng mình không tìm việc nhưng lại xin nghỉ sau đó một thời gian ngắn, lời nói dối của bạn đã quá rõ ràng và có thể phá hỏng mối quan hệ với sếp/ công ty. Thay vào đó, bạn nên giải thích rằng bạn đang lựa chọn để phát triển sự nghiệp hoặc bạn lo lắng về sự ổn định của công ty trong thời gian này và sau đó thể hiện sự cam kết của bạn với công việc khi bạn vẫn còn ở lại đó.
Bạn biết mình không thể có lời nhận xét tốt từ người quản lý gần đây nhất của mình
Nếu sếp cũ cho bạn một bản đánh giá tiêu cực, bạn nghĩ rằng chỉ cần không liệt kê, tránh nói tới nó là ổn. Nhưng nhà tuyển dụng mới có thể gọi điện cho bất cứ ai bạn từng làm việc cùng, hay thậm chí người biết bạn mà không có trong danh sách người tham khảo bạn cung cấp. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất của bạn là gọi điện cho sếp cũ và hỏi xem anh/ cô ấy có sẵn sàng đồng ý về những gì bạn sẽ nói với nhà tuyển dụng mới của mình hay không. Nếu điều đó thất bại, bạn có thể chuyển hướng sang phòng nhân sự - người sẵn sàng nói chuyện thay mặt cho sếp cũ của bạn.
Nếu tất cả đều không hiệu quả, bạn cần cảnh báo với nhà tuyển dụng rằng những nhận xét đó sẽ không tốt. Đồng thời, giải thích hoàn cảnh và lý do của bạn. Chẳng hạn, nếu mối quan hệ của bạn với sếp trở nên “chua chát” sau một cuộc tranh luận nảy lửa, bạn có thể nói rằng: “Chúng tôi đã tranh luận và không ngờ rằng cuối cùng mối quan hệ đã trở nên căng thẳng. Tôi đã học được rất nhiều điều từ kinh nghiệm này. Tôi hi vọng nó không ảnh hưởng tới nhận định của anh/ chị về tôi”. Đồng thời, hãy chuẩn bị chi tiết cho câu hỏi về nguyên nhân gây ra sự căng thẳng.
Công ty mới nói sẽ mời bạn làm việc, nhưng sau đó làm lơ
Bạn được thông báo công ty A sẽ mời bạn làm việc và công ty đang chuẩn bị giấy tờ, thế là bạn từ chối mọi cuộc phỏng vấn khác, ngưng gửi hồ sơ đi. Tuy nhiên sau đó công ty A im lặng và cứ hứa hẹn khi bạn liên lạc.
Để tránh rơi vào tình huống này, bạn cần nhớ rằng không được từ bỏ quá trình tìm việc, cho đến khi bạn nhận được thông tin chính thức bằng văn bản. Thậm chí khi đã được mời bằng văn bản, bạn cũng có thể không đạt được thỏa thuận về lương hay những vấn đề khác. Do đó, đừng bao giờ ngừng quá trình tìm việc.
Bạn chấp nhận lời đề nghị công việc, xin nghỉ việc và sau đó lời đề nghị bị rút lại
Dù điều này không xảy ra thường xuyên nhưng không phải là không có, nó thường liên quan đến các vấn đề về pháp luật. Chẳng hạn, công ty mới bất ngờ phá sản hay gặp rắc rối pháp lý. Trong tình huống này, bạn không thể làm được gì nhiều ngoại trừ tiếp tục quá trình tìm việc. Bạn cũng có thể kiểm tra với nhà tuyển dụng cũ liệu họ có thể cho bạn ở lại, tuy nhiên đây là điều ít xảy ra và gây khó xử cho bạn.
VŨ HUYỀN (Theo Usnews)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét