Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Phụ nữ "nhàn" - Buồn thảm và ... vô tích sự

Quan điểm về công việc, về đồng tiền của Phạm Thị Hương Giang – Thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch GroupG Asia Pacific (Singapore) và Chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ Phần Thương Hiệu Toàn Cầu (G’Brand) có lẽ khiến nhiều người phải thấy… khó hiểu. Lăn lộn, vất vả để có chỗ đứng trên thị trường nhưng nữ doanh nhân “tuổi băm” lại cho rằng, lao động không hướng tới mục đích kiếm tiền, mà tiền chỉ là thành quả đương nhiên đằng sau sự nỗ lực khám phá bản thân. Chị cho rằng, cuộc sống trong “tủ kính” của đàn bà để cho đàn ông nuôi, người này có thể coi là nhàn nhã, nhưng đối với người khác, đó là cả một sự buồn thảm, thậm chí… vô tích sự. Với chị, “hạnh phúc là có một việc gì đó để làm, có một người nào đó để yêu, và có một ước mơ để vươn tới”.

Kiếm tiền không phải là trách nhiệm và mục đích sống
Theo quan niệm xưa, đàn bà sướng khổ đều ở tấm chồng, bởi đàn ông vốn được mặc định là trụ cột về kinh tế. Nhiều phụ nữ nay có học, giỏi giang song họ làm để lấy niềm vui, lấy chỗ đứng nào đó gia đình, trong xã hội hơn là việc lăn lộn kinh doanh, buôn bán kiếm đồng tiền. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Lúc nào tôi cũng được nghe những điều như vậy nhưng thực sự tôi thấy mình không có chút nào… liên quan. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã xác định, bản thân mình cần làm để phát triển khả năng và niềm đam mê chứ không phải vì cái nhìn của người khác. Tôi sống rất độc lập. Độc lập trong cách học, cách chơi và cả trong những mơ ước về tương lai. Nếu như làm việc để có một sự “ổn định” nào đó trong mắt thiên hạ thì có lẽ khi ra trường, tôi đã không phải vất vả để thực hiện ước mơ nung nấu – đó là thành lập một Công ty của riêng mình.
Thất bại vô kể! Tôi đã từng bị phá sản, bị cướp trắng công ty… Nhưng đến khi phát hiện ra tất cả những thất bại và thành công của mình đều có sự “kết nối” bằng một sợi dây gọi là “thương hiệu” thì tôi lại hì hục bắt tay xây dựng lại từ đầu. Tôi vẫn gọi, đó là “hành trình đam mê về phát triển thương hiệu”, chứ không đơn thuần là một… chiếc ghế Giám đốc hay hơn thế nữa.
Không ít cô gái xinh đẹp, cơ hội kiếm tiền (tất nhiên theo hướng chân chính) rộng mở nhưng vẫn tuyên bố, thậm chí còn có phần hãnh diện vì được “nửa kia” chu cấp kinh tế. Phụ nữ mà nghĩ thế, có khi lại “nhàn”?
Tôi lại cho rằng, thành công hay tiền bạc phải do chính năng lực và sự phấn đầu của mình thì mới thực sự hạnh phúc. Tôi thích câu nói “Hạnh phúc là có một việc gì đó để làm, có một người nào đó để yêu, và có một ước mơ để vươn tới”. Tôi tin rằng năng lượng, khả năng của mỗi người là vô tận, quan trọng là bạn cho mình cơ hội để khám phả khả năng đó. Tất nhiên, “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” (Man proposes, god disposes), để có thể thành công, theo một nghĩa chung nhất, thì cũng có một phần của sự may mắn.
Tuy nhiên, “may mắn” không có nghĩa là ai đó mang thành quả đặt sẵn lên trên bàn cho bạn hưởng thụ. Không có gì hạnh phúc bằng cảm giác được tận hưởng thành quả công việc do chính mình nỗ lực có được. Còn “NHÀN”, có lẽ đó là quan niệm rất cá nhân, được nhìn theo lăng kính của mỗi người. Ví dụ như người này thấy “nhàn” là “sung sướng”, còn người lại kia thấy đó là cái sự… “buồn thảm” và “vô tích sự”.
Có một thực tế là đàn ông chẳng mấy ai thích đàn bà giỏi giang hơn. Họ cũng tự nhận việc kiếm tiền là trách nhiệm của mình. Một anh chàng ca sĩ khá nổi tiếng trong showbiz đã từng phát ngôn: “Quyền của đàn ông là thành công và quyền của phụ nữ là được những người đàn ông thành công chăm sóc”. Thế nên, phụ nữ dù giỏi, dù tài đến mấy thì có nên chăng việc cố tỏ ra “an phận thủ thường” cho cửa êm nhà ấm?
Việc kiếm tiền không phải là trách nhiệm và mục đích sống trong con mắt của tôi. Tiền chỉ là thành quả đương nhiên sau một quá trình làm việc. Mà làm việc để khám phá chính năng lực và năng lượng của chính bản thân mình. Đó là quyền lợi của tất cả mọi người. Ai đó không yêu bản thân mình mới tự bỏ đi cái quyền ấy. Còn chăm sóc lại nằm trong phạm trù tình cảm, nó không liên quan đến việc kiếm tiền hay nỗ lực phát triển bản thân trong công việc và xã hội.
Khái niệm “giỏi giang” cũng rất vô cùng. Bởi không ai giỏi tất cả. Một người đàn ông hiện đại, hiểu biết và tự tin luôn muốn bạn đời của mình là người có thể chia sẻ cả khi thất bại và thành công. Họ chỉ thực sự đẹp hơn, mới mẻ hơn trong mắt nhau khi mà cùng “khơi gợi” được cho nhau nguồn năng lượng bất tận trong mỗi con người. Vì vậy, cả đàn bà và đàn ông, chẳng nên “cố tỏ ra” thông minh hay ngu dốt đi làm gì. Hạnh phúc là được sống với chính mình, sự “yên ấm” giả tạo sẽ chẳng bao giờ giúp hạnh phúc của bạn tồn tại được lâu.
“Liều” hơn cả nam giới
Trong những lĩnh vực lớn như tài chính, ngân hàng, bất động sản… hầu hết người đứng “đứng mũi chịu sào” vẫn là nam giới. Phụ nữ không đủ năng lực hay họ muốn kinh doanh theo hướng chắc chắn, ít rủi ro?
Tôi không có sự phân biệt nam giới và nữ giới trong những lĩnh vực này. Với chuyên môn tư vấn phát triển thương hiệu, tôi được tiếp xúc với rất nhiều leader trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản… trong đó có rất nhiều phụ nữ, và rất nhiều người đã thành công. Sự “liều lĩnh” không chỉ có ở nam giới. Tôi thấy rằng, phụ nữ phương Đông đa phần thích sự ổn định nhưng một khi họ đã “liều” thì nam giới cũng phải kém cạnh vài phần… Mặt khác, tôi cho rằng, không có lĩnh vực nào nhiều rủi ro, có điều, cái cách người ta làm việc thiếu trung thực, bất chấp vì lợi nhuận đã dẫn đến khái niệm đó!
Phụ nữ Việt tần tảo, khôn khéo! Xưa nay vẫn vậy. Trong kinh doanh, đó có phải là lợi thế của họ?
Có thể như vậy lắm chứ. Đó là một trong những lợi thế rất “tự nhiên” của người phụ nữ. Phụ nữ thường không ăn to, nói lớn. Ứng xử của họ cũng rất linh hoạt, đôi khi là lạt mềm buộc chặt… khiến nam giới cũng có phần “nhường nhịn”. Bên cạnh đó, về mặt thể chất, tuy phụ nữ không có sức mạnh như nam giới nhưng sức bền thì có vẻ tốt hơn. Chẳng phải vô cớ mà người ta nói rằng: Phụ nữ “chịu đựng” tốt hơn nam giới!
Chị có thấy rằng, phụ nữ đương đại thì khổ hơn nam giới ở chỗ: họ vừa phải lo sự nghiệp của mình lại vừa phải vun vén chuyện gia đình, con cái?
Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Vì đàn ông đương đại là những người luôn biết sẻ chia với người bạn đời của mình mọi công việc trong cuộc sống. Chăm sóc gia đình, con cái không chỉ là việc giành riêng cho phụ nữ. Những người đàn ông hiện đại luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ với vợ mình từng công việc trong gia đình. Vì vậy, người phụ nữ chỉ khổ khi họ không tìm được những người chồng - người bạn đời sẻ chia như vậy, dù trong bất cứ thời kỳ nào, phong kiến hay hiện đại.
Từng có nhiều trải nghiệm, làm việc với đối tác quốc tế, chị thấy hình ảnh của nữ doanh nhân Việt trong mắt họ ra sao? Tôi còn nhớ đã từng đọc ở đâu đó câu nói: “Việt Nam mà không có phụ nữ, thì chỉ có nước vứt đi"
Thực tôi luôn thấy vui và tự hào khi tiếp xúc với người bạn, hay đối tác nước ngoài, họ luôn dành lời khen cho phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ doanh nhân Việt nói riêng. Họ thường nói với tôi: “Phụ nữ Việt Nam rất thông minh, sâu sắc, chăm chỉ và luôn luôn nỗ lực”. Trong mắt họ, hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam không phải chỉ là “chỗ dựa vững chắc” của nam giới như người Việt thường nói mà là một nền móng, một trái tim, một vẻ đẹp đầy hấp dẫn của Việt Nam.
Y Bình

TIN KHÁC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét