Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Ai cũng làm Quản lý, Thợ biết tìm đâu ra?

         TS. Lê Quân cho hay: một sai lầm lớn của xã hội Việt Nam chúng ta là luôn luôn coi lộ trình phát triển sự nghiệp theo các cấp bậc quản lý, với con đường đó thì từ một bác sỹ giỏi sẽ được đề bạt làm trưởng khoa, trưởng khoa giỏi phấn đấu thành một phó giám đốc. Thực tế có những bác sỹ rất giỏi trở thành giám đốc sở y tế… Từ đó, xã hội và doanh nghiệp sẽ mất đi các thợ giỏi, chuyên gia giỏi.

Hơn thế nữa, sự mất công bằng thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp đang xếp các chuyên gia và các người thợ giỏi ngồi mâm dưới so với các cán bộ quản lý trong chính sách đãi ngộ. Thực tế này dẫn đến điều hiển nhiên là người lao động luôn muốn được đảm nhận các vị trí quản lý.

        Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, doanh nghiệp không nhất thiết phải thăng chức cho nhân viên mà vẫn có thể tăng quyền cho nhân viên. Một chuyên gia có quyền quyết định liên quan đến dự án, đến chuyên môn, đến các nguồn lực phục vụ hoạt động chuyên môn của mình, và được hưởng chính sách chế độ tương xứng với mức độ gia tăng quyền hạn đó. Như vậy, trong thang bảng lương của doanh nghiệp, một chuyên gia phải được đánh giá đúng tầm. Muốn làm được như vậy, doanh nghiệp phải đưa ra tiêu chí trả lương rõ ràng và đo lường được.


Tại sao trả lương cho người mới đến lại hậu hĩnh hơn cho người cũ?

         Một vấn đề được nêu ra là nhiều DN Việt Nam hiện nay khi tuyển người thường đưa ra những chính sách lương thưởng, đãi ngộ hậu hĩnh, nhiều ưu đãi đối với những người mới đến so với người cũ của doanh nghiệp. Vấn đề nêu ra bởi anh Phúc, giám đốc nhân sự Euro Window. Lý do đưa ra khá đơn giản : người mới đến không chịu chấp nhận các mức lương theo hiện đang chi trả của doanh nghiệp. Và để tuyển người mới đến, ngay cả sinh viên mới tốt nghiệp, cũng cần chi trả mức lương cao hơn.

Theo ông Phúc, điều này sẽ là bình thường nếu người mới đến thực sự có năng lực hơn người cũ. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi người mới đến chưa hẳn đã giỏi hơn (ví dụ của anh Tùng, giám đốc nhân sự Pasco). Từ đó, nó lại gây ra sự mất cân bằng giữa nhân viên cũ và nhân viên mới.

Theo ý kiến của bà Ngân: “ Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay xông xênh với người mới đến nhưng lại chặt chẽ với người đã từng làm ở đấy rồi, như vậy khi bạn tuyển một người, bạn lại mất đi những người đã làm ở đấy rồi.” . Bổ sung ý kiến đó, TS. Lê Quân, cho rằng bản chất của vấn đề là “DN chưa tạo điều kiện cho người cũ phát triển, chưa giải quyết tốt công tác đào tạo phát triển và phân cấp phân quyền, xây dựng lộ trình công danh cho nhân viên" . Từ đó, người cũ thiếu cơ hội hơn so với người mới đến. Nếu doanh nghiệp tạo điều kiện cho người cũ có cơ hội phát triển, thì người mới đến hiển nhiên sẽ ít có cơ hội hưởng lương cao hơn nếu năng lực không vượt trội. Viện dẫn hình ảnh doanh nghiệp có 100 giám đốc, TS. Quân cho rằng cần tăng cường phân cấp phân quyền, đào tạo bồi dưỡng để mỗi cán bộ nhân viên trở thành người được tự chủ, tự quyết cho các công việc của mình, phát huy sáng tạo và thể hiện năng lực. Khi đó họ sẽ không chịu lép vế trước người mới đến.

Theo Bà Trần Phương Lâm - GĐ Nhân sự Goldsun thì chúng ta nên dùng hệ số khuyến khích kết hợp với một hệ thống thang bảng lương chuẩn, rõ ràng để đánh giá và thu hút nhân tài. Từ chính sách này, người mới và cũ sẽ có sự bình đẳng để thể hiện. Bên cạnh đó, khi đã thu hút được người tài, thì DN cần phải giữ chân họ, phải làm sao để họ trung thành với DN và cống hiến trí lực cho sự phát triển của DN. Điều đó có nghĩa là DN nên đầu tư cho họ , nên vạch ra một lộ trình phát triển nghề nghiệp cho họ tại DN mình.

Theo ông Tạo, giám đốc nhân sự sân Gold Vân Trì, doanh nghiệp Việt Nam nên học theo doanh nghiệp Nhật Bản: tạo điều kiện và nên sử dụng người cũ, từ đó thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ thường xuyên. Chính sự luân chuyển có chủ đích này sẽ giúp giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, nó giúp đào tạo được nhân viên đa năng – từ đó họ có cơ hội được đề bạt và phát triển ở các vị trí khác nhau trong doanh nghiệp. Thứ hai, nó làm cho nhân viên cảm thấy thú vị hơn trong công việc. Đây là nguyên lý làm giàu công việc trong đãi ngộ nhân sự (TS. Lê Quân). Nếu làm tốt công tác này, người cũ và người mới sẽ được đối xử công bằng.
 <<Sưu tầm>>

0 nhận xét:

Đăng nhận xét