Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Mục đích sửa lời bài Quốc ca để làm gì?


Mấy ngày qua dư luận bàn tán xôn xao về đề nghị của ông Huỳnh Thành- ĐBQH tỉnh Gia Lai về việc “nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ như nên sửa những câu chữ như : “đường vinh quang xây xác quân thù” bằng nội dung khác. Quốc ca là bài nhạc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1944, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946 chính thức chọn làm Quốc ca. Vào ngày 2-7-1976, Quốc hội thống nhất của nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chọn làm Quốc ca đến nay.
Chào cờ, hát Quốc ca ở Trường Sa
Quyền đề nghị chỉnh sửa là quyền của đại biểu được hiến định. Tuy nhiên, vào một kỳ họp rất quan trọng của Quốc hội, cả đất nước đang mong chờ vào nhiều dự luật mới, nhiều vấn đề quan trọng đang tồn đọng chưa giải quyết, nhiều bức xúc của nhân dân cử tri chưa phúc đáp thì có một đại biểu “rảnh việc” như ông Huỳnh Thành đi đề nghị “nên thay mới lời Quốc ca” cho phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước. Mới nghe hết cả hồn, vì ông này chắc chưa qua trường đào tạo cơ bản về văn chương bao giờ. Bởi những ai từng học và nghiên cứu về lĩnh vực này đều biết, lúc sinh thời nhạc sĩ Văn Cao từng kể lại sự ra đời của bài hát Tiến quân ca như thế nào. Khi đó, năm 1944 ông sống trên căn gác nhỏ số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền – Hà Nội, ông chưa gia nhập Việt Minh, cũng chưa hề được gặp chiến sĩ Việt Minh, cách mạng bao giờ. Qua người bạn Vũ Qúy – cán bộ Việt Minh – một người bạn cũ từ khi còn ở Hải Phòng đã giác ngộ và giao luôn cho nhạc sĩ nhiệm vụ sáng tác một bài hát hào hùng, khí thế để hát trong ngày ra đời một đội quân vũ trang đầu tiên khóa quân chính kháng Nhật trên rừng chiến khu Việt Bắc.
Hát Quốc ca để bồi đắp tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc
Đó là một ngày đầu thu tháng 9/1944, từ căn gác hẹp ở phố Nguyễn Thượng Hiền, nhạc sĩ Văn Cao nhìn thấy âm thanh của tiếng xe bò chở xác người chết vì đói đi về phía phố Khâm Thiên và muôn tiếng vọng âm thanh đời thường và đói lạnh lùa qua khe cửa. Rồi từ Nam Định báo tin lên cho ông biết, là mẹ và các em của ông đang bị đói. Trong cuốn hồi ký “Tại sao tôi viết Tiến quân ca” ông đã kể lại: “Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường ở phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi…”. Rất tiếc, ĐBQH Huỳnh Thành không biết được những điều này. Những lời ca theo dòng cảm xúc ấy tự bật ra thành : “Đoàn quân Việt Minh đi (sau này sửa thành Đoàn quân Việt Nam đi), chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Tiếp theo là “…Sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than” và tiếng thét cao trào dâng lên với: “Tiến lên ! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền”. Sau này sửa lời thành “Tiến lên, cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Nhạc sĩ Văn Cao
Cố nhạc sĩ Văn Cao cũng từng nói ông cảm ơn Đinh Ngọc Liên đã sửa mấy lời trong bài hát “Còn về lời ca, có người bảo tôi tại sao có đoạn lại viết: Thề phanh thây, uống máu quân thù ! Tôi lặng người, sau đó trả lời: Hoàn cảnh lúc đó nếu không có 2 triệu người chết đói dần mà tôi từng chứng kiến khi bắt đầu sáng tác ca khúc này, tôi sẽ không viết như vậy.”. Sau đó từ Việt Bắc về lại Hà Nội năm 1954, nhạc sĩ được Quốc hội mời vào Ban sửa lời Tiến quân ca, thống nhất sửa lại thành: Vì nhân dân chiến đấu không ngừng…Bài Quốc ca ra đời gắn với hoàn cảnh đất nước, lịch sử 1944-1945, gắn với sự ra đời của nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó, khai mở ra một kỷ nguyên mới : kỷ nguyên độc lập dân tộc, tự chủ. Sao lại phải sửa lời, mà sửa lời để làm gì?Nếu chỉ vì cụm từ “xay xác quân thù” mà phải sửa thì lịch sử đất nước còn quá nhiều thứ phải sửa.
Du học sinh Việt nghiêm trang hát Quốc ca giữa London
Hơn 2 triệu đồng bào chết đói năm đó, hơn 100 năm nô lệ thực dân phong kiến…Tại sao phải sửa lời. Suy nghĩ nông cạn và non nớt chính trị rất trẻ con của ông nghị Thành cần phải xem xét lại. Hay là “cho phù hợp” theo suy nghĩ của ông nghị Thành, thay vì tiếng quân đi gập ghềnh xa, thay bằng tiếng máy bay Boeng 777, thêm tàu ngầm, hạm đội, tên lửa, thiết giáp hiện đại vào ? Bối cảnh xã hội, hoàn cảnh lịch sử phải được tôn trọng và chân thực việc gì phải boăn khoăn.
Đại biểu Huỳnh Thành: "Nên thay lời mới của Quốc ca cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước".
Những ai từng chào cờ, nghe nhạc quốc ca lúc ở xa tổ quốc mới thấm thía hết ý nghĩa, sự hào hùng, thiêng liêng đến rơi nước mắt vì tổ quốc và dân tộc khi nghe Quốc ca Việt Nam vút lên “Đoàn quân Việt Nam đi…”. Quốc kỳ chúng ta màu đỏ, là màu máu cả dân tộc trên ấy, cả chiến thắng lẫn đau thương, cả nghìn xưa lẫn hôm nay. Cờ và Quốc ca là hồn thiêng đất nước, dân tộc, câu chữ có gì trái với lịch sử, chế độ hay phản lại nhân dân mà có người cứ khăng khăng, nhất quyết đòi đổi lời, đổi tên?
Thay vì dành thời gian trên diễn đàn Quốc hội để bàn về những vấn đề trọng đại của Quốc gia, những vấn đề thuộc về dân sinh, phát triển kinh tế, tài chính, ngân hàng và phát triển kinh tế Tây Nguyên, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ít người, hay chí ít thì cũng là vấn đề phát triển văn hóa, đời sống tinh thần cho người dân Tây Nguyên. Không bàn. Bỗng dưng, bàn sửa lời Quốc ca vào lúc này, bàn đổi tên nước…thiệt quá rảnh mà.
Hoàng Đức Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét