Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Phản ứng của cộng đồng mạng về bài viết “Nhìn về Thanh – Nghệ"





Tuy không đồng quan điểm với tác giả bài viết này ở một vài điểm, Ban biên tập xin gửi đến bạn đọc trích đoạn bài viết trên  các phản hồi có tính xây dựng. Ban biên tập kêu gọi tất cả người dân Việt Nam hãy công tâm, đoàn kết và chống kỳ thị.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Trích nội dung bài viết “Nhìn về Thanh – Nghệ” gây phản ứng nhiều chiều:
“Người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị kỳ thị. Đi đâu cũng thấy người ta nói ghét dân Thanh Nghệ Hà, cầm hồ sơ xin việc mà giọng điệu, cái hộ khẩu ở vùng này thì coi như trượt rớt từ vòng đầu.
Cổ động viên Nghệ An.
Thanh – Nghệ – Hà mà thực chất là hai xứ Thanh, Nghệ (tức là hai vùng đất có những khu biệt về Văn hóa). Trải khoảng ngàn năm tạo dựng, đi kèm theo đó là những tương đồng và dị biệt về lịch sử, văn hóa hình thành nên cốt cách, tâm tính con người.
Khu biệt văn hóa
Thanh – Nghệ được ví như Việt Nam thu nhỏ. Cái gì Việt Nam có thì Thanh – Nghệ cũng có. Lịch sử hai vùng này ước chừng trên ngàn năm, nghĩa là tương đương với lịch sử Việt Nam (từ Ngô Vương lập quốc đến giờ). Dân số ước chừng trên 8 triệu người, bằng gần 10% dân số Việt Nam.
Cả hai xứ đều là biên thùy trọng trấn của Vương quốc Đại Việt khi xưa. Là đất căn bản đế vương, Thanh – Nghệ quan trọng đến nỗi: Thanh Nghệ còn, Quốc gia còn, Thanh Nghệ mất Quốc gia mất.
Có ít nhất hai vương triều, hai nhà Chúa mà gốc tích là từ Thanh Hóa – người “làm vua” gần đây nhất mà xứ Thanh có được là ông Lê Khả Phiêu (nguyên TBT BCH Trung ương Đảng CSVN). Văn thần võ tướng xứ Nghệ bạt ngàn. Bắc sông Lam thiên về võ tướng, nam sông Lam thiên về văn thần.
Vua Lê Lợi
Cụ Hồ cũng là người xứ Nghệ (nguyên gốc Quỳnh Lưu).
Trên khắp cõi Việt Nam đâu đâu cũng thấy mồ tử sỹ Thanh Nghệ. Nghĩa trang Trường Sơn phần lớn là tử sỹ Thanh – Nghệ. Chiến trường phía Bắc, hồi chống Tàu 1979 – 1984, lính Thanh kiên cường, quật khởi đánh cho người Tàu bạt vía.
Anh hùng Phan Đình Giót quê ở làng Tam Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Anh bị thương vào vai, máu chẩy đầm đìa. Phan Đình Giót cố gắng lê lên nhích dần đến gần lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng, duy nhất là dập tắt ngay lô cốt này. Anh đã dùng hết sức mình còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai, miệng hô to: “Quyết hy sinh…vì Đảng…vì dân!!..” rồi rướn người lấy đà, lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai địch.
Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện (1924 - 1953) quê ở xã Nông Trường, Huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình chèn pháo trên đường kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ.
Anh hùng Trần Can, quê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch giao cho quân đội lên đồn Pháp tại Điện Biên Phủ. Mặc cho hoả lực quân Pháp bắn ra dữ dội, anh dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên, chọc thẳng vào sở chỉ huy như một mũi dao nhọn cắm vào giữa tim gan địch, rồi nhẩy lên lô cốt cắm cờ. Anh Trần Can đã hy sinh anh dũng sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, đúng vào ngày kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Không phải đương nhiên mà sân Vinh được gọi là cái Chảo lửa. Người Nghệ mang cái bản sắc Choa dân 37 làm nên cả chảo lửa sân Vinh ở ngay Mỹ Đình.
Chảo lửa thành Vinh giữa lòng Hà Nội
Nhiều nhân vật lẫy lừng của Việt Nam từ quãng năm 30 trở lại đây có cái gốc chung Thanh Nghệ. Yếu tố lịch sử như thế vô hình chung khiến người Thanh – Nghệ tự bản thân đã mang cái tính ương ngạnh, kiêu hãnh và trịch thượng.
Loạn kiêu binh thời Lê mạt cũng bởi binh tướng túc vệ người Thanh Nghệ.
Trong một cơ quan, dù nhỏ mà có hai người Thanh Hóa ngồi tương đương vị trí thì tất mất đoàn kết. Căn nguyên rất đơn giản, người Thanh Hóa tính hãnh tiến, có máu làm thủ lĩnh, làm lãnh đạo và không chịu kém người.
Nhân dân Thanh Hóa đã góp rất nhiều công sức và máu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Người Thanh Hóa chở lương thực cho bộ đội theo đường Sông Mã lên Điện Biên Phủ
Người xứ Thanh, thân ai làm người ấy chịu, hành xử theo cái kiểu anh cả nhưng cũng thiếu phần bao dung, thiếu hẳn phần khiêm hòa. Người xứ Nghệ thì cố kết cộng đồng cao, sẩy việc cả nhóm cùng đứng ra gánh vác, người Nghệ phần nào có sự bao dung hơn người xứ Thanh.
Nhưng ngay ở Nam – Bắc sông Lam cũng có sự phân cách. Người Nghệ An luôn tự thị là anh, tính cố chấp, trịch thượng cao hơn hẳn. Người Hà Tĩnh mềm dẻo hợp thời hơn. Đất chật, người đông, chiến tranh tàn phá, thiên nhiên không ưu đãi, vô hình chung khiến người Thanh – Nghệ trở nên cần kiệm, chắt chiu.
Núi sông, thời tiết xung khắc mãnh liệt khiến người hai xứ này chênh vênh giữa trạng thái tốt và cực đoan. Cần kiệm thì đến mức chi li bủn xỉn, đoàn kết thì đến mức thái quá. Lại bảo thủ, ương gàn, chậm thích ứng với cái mới.
Điều tệ hại hơn cả là người Thanh – Nghệ dường như có máu làm chiến binh, không chịu khuất, không chịu nhún ai bao giờ. Có doanh nghiệp Hàn Quốc về Nghệ An đầu tư nhà máy may thế mà lao động đi làm cứ gắn tai phone rồi gật gù (theo tiếng nhạc), chủ xưởng bảo mãi không chịu bỏ đi. Rồi đó lao động từ Nam về, xin đi làm lại lại so sánh lương giữa hai chỗ làm rồi nói ở đây trả thấp thế là xúi bãi công khiến chủ xưởng phát hoảng.
Cả cái nhà máy mấy ngàn công nhân rốt lại toàn làm chậm tiến độ, hàng đem ra bị trả về. Ông chủ phải dồn 5 nhà máy ở các KCN phía Bắc lại hỗ trợ mới xong.
Có bận mình ngồi nói chuyện với ông Cao Văn Vĩnh, Giám đốc sở Văn hóa Nghệ An, ông bảo: “Tình xứ Nghệ quen lâu” vấn đề là trong thời buổi này bao giờ thì người ta quen được mình. Lâu quá không được, y như cô gái cứ chờ để về nhà chồng vậy, lâu sinh ra mỏi mệt”. Còn ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc sở Công thương tỉnh thì bảo: “người mình cần cù chịu khó nhưng lại không khéo, tính người Nghệ cũng không thuần”
Dân Choa 37
Nói thế để biết rằng người Thanh – Nghệ có những cái nhược điểm cố hữu của mình. Mà nhược điểm cao nhất là cái tôi quá lớn cái tôi cả cá nhân và cái tôi của khu biệt văn hóa, ghét bị sai khiến. Và họ cũng hiểu về điều đó!
Tất nhiên ta có thể hỏi làm thế nào để người Thanh Nghệ bớt bị kỳ thị?
Cần hiểu
Rất khó để ngày một ngày hai, người hai xứ này bớt đi cái nhược điểm của mình, vậy chỉ còn một cách là phải biết chấp nhận chính nó. Mà muốn chấp nhận thì phải hiểu đặc tính Thanh Nghệ. Hò sông Mã cao ngạo, thanh âm như đục thẳng vào lỗ nhĩ. Ví giận thương trữ tình sâu lắng hai cái đó là cốt cách Thanh Nghệ.
Tất cả phần nổi của đặc tính Thanh – Nghệ, tất cả những cái xấu của tâm tính người Nghệ An – Thanh Hóa ai cũng thấy rõ còn cái tốt thì bị khuất lấp, rất khó để tiếp cận.
Tự hào
Thế tính tốt của Thanh Nghệ là gì?
Xin thưa nó cũng nằm một phần trong những mặt xấu của Thanh – Nghệ: tính cương cường quyết liệt, không chịu nhún nhường. Ở một cơ quan, một doanh nghiệp mà biết tận dụng và khơi dậy cái đặc tính này, cố kết nó trong khuôn chung thì rất khó có đối thủ cạnh tranh nào vượt lên được họ. Nói cách khác doanh nghiệp đó có thể vượt lên mọi khó khăn, trở ngại.
Thứ nữa khi người Nghệ đã tin, đã yêu thì tất dốc lòng hết sức, tận tụy, nhiệt tâm làm việc. Tính trung thành là điều không thiếu ở người Nghệ, tính quyết liệt là điều không thiếu ở người Thanh. Người Nghệ đói no có nhau, anh em sống chết làm việc, không (hoặc hiếm khi nào) bội phản hoặc chạy theo tiếng gọi của lợi ích riêng mình mà bỏ rơi cộng đồng.
Tinh thần đoàn kết
Dân hai xứ này đều rất khó khăn về mặt kinh tế, gia cảnh, sự cần cù chịu khó chịu khổ là không thiếu. Nhưng đây là đất học, người thành danh rất nhiều, nên sử dụng lao động Thanh – Nghệ – Hà cần phải đặc biệt thấu hiểu văn hóa của họ, trọng thị họ để họ thấy mình được coi trọng, có chỗ đứng trong doanh nghiệp. Còn ngược lại chỉ mang lòng kỳ thị thì tất tâm lý đối kháng (ghét giàu, ghét ông chủ) sẽ có đất để trỗi dậy. Đến lúc đó không có nhiều chỗ cho việc thương lượng, thấu hiểu lẫn nhau.
Về phía Thanh – Nghệ, cái đào tạo lao động là khâu yếu khuyết nhất, phần đa lao động đi vào Nam hay ra Bắc đều từ đồng ruộng mà ra (tính làng xã, tư tưởng tiểu nông vẫn rất cố hữu). Cả ba tỉnh (Thanh – Nghệ – Hà) đều chưa bao giờ nói những điều mà người lao động của mình cần và phải hiểu.
Họ có thể đào tạo tay nghề nhưng lại thiếu hẳn đi đào tạo kỹ năng và cung cách ứng xử. Tức là cứ thả nổi cho người xứ mình tự bươn chải với đầy đủ tính xấu theo kiểu tự sinh tự dưỡng. Như thế cũng rất khó cho doanh nghiệp.
Cái chè xanh của xứ Nghệ, hay cả xứ Thanh cũng vậy với người ngoài, rất chát, rất dẳng nhưng uống lâu sẽ nghiền vấn đề là phải chịu uống (nghe rất khó) và người bán chè phải biết cách tiếp thị.” 
Hết trích
Phản hồi của cộng đồng mạng:
Cố Kiên:Tôi – trai xứ Thanh, quê hương tôi vào mùa này đang phải hứng chịu gió Lào, cái nắng nóng làm tính khí con người nơi tôi cũng nóng theo. Thiên tai, nhất là bão, lũ, dân đã nghèo, nhưng hàng năm phải oằn mình gánh chịu những cơn bão từ biển Đông vào, đã nghèo lại càng nghèo hơn, nên chúng tôi phải chai lì hơn, bươn chải hơn thì mới có thể sống sót được. Bởi vậy, xin bạn đừng trách dân tôi, hãy vào miền Trung 1 lần rồi bạn sẽ hiểu…
Quê tôi Thanh Hóa
Ba le: Ở đâu cũng vậy thôi, cũng có người thê này người thế nọ. Mình là người miền Bắc, học tập tại Hà Nội. Trong lớp có 5 bạn Nghệ An, 5 bạn Thanh Hóa và 1 Bạn Hà Tĩnh. Mình thấy các bạn ấy rất tốt đâu như người ta vẫn phân biệt đâu. Các bạn ấy chăm chỉ và học rất giỏi. Mình rất kính nể các bạn ấy.
pnphuocbeo:Bài này phải được dân Hà Nội gốc trau chuốt mới thấm được, hiểu như vậy còn nhân văn quá…
Nặc danh:Dân mình thật tính, nhưng dễ bốc đồng. Đó là bản sắc. Mềnh dân 38, và mãi tự hào choa dân Hà Tĩnh.
Người xứ Nghệ chung dòng máu Lạc Hồng, chung một màu cờ.
Hồng Lĩnh: Loạn kiêu binh thời Lê mạt cũng bởi binh tướng túc vệ người Thanh Nghệ.
- Thời ni không loạn thì gọi là chi ?
Cái chè xanh của xứ Nghệ, hay cả xứ Thanh cũng vậy với người ngoài, rất chát, rất dẳng nhưng uống lâu sẽ nghiền vấn đề là phải chịu uống (nghe rất khó) và người bán chè phải biết cách tiếp thị.
-…Cùng nhau râm ran chè xanh ! Mấy chục năm không về quê, Ku Hàn làm mình nhớ !
Tôi Yêu Việt Nam: cái gì mà: người hai xứ này bớt đi cái nhược điểm của mình. cuộc sống ngày nay văn hóa giao lưu chứ có phải là 2 vùng đó sống biệt lập đâu mà mất nhược điểm với không mất nhược điểm, cái nhược điểm đấy làm gì có tồn tại ở tất cả mọi người, một cộng đồng có người này người kia, gặp phải một số người thế này thế kia thì đánh đồng nó là nhược điểm của cả cộng đồng là thế nào, cảm ơn tác giả đã viết bài này, nhưng mình thiết nghĩ bạn cũng nên xem lại!
Hương Yêu:Tất nhiên là người một nước phải thương nhau cùng, thực tế tôi thấy thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến trái chiều về dân xứ Thanh, Nghệ thậm chí trên face còn lập cả những hội anti dân Thanh Nghệ nữa. Nói thật đâu chả có người nọ người kia, đừng vì đó mà đánh giá cả một tỉnh, một vùng. Nhưng những gì thiên hạ nói không phải là hoàn toàn bịa đặt, phải soi vào đó mà sửa đổi thì mới mong tốt lên được.
Ân tình xứ Nghệ
Công Lý:Không có lửa làm sao có khói chứ, nói thật đừng có mà bao biện nọ, kia. Người ta nói xấu đôi khi cũng là nói quá lên nhưng tôi nghĩ người đời họ không thừa hơi mà rèm pha dân xứ Thanh, Nghệ đâu. Có sai thì có sửa, phải biết điểm yếu của mình để bố sung, sửa chữa thay đổi như thế mới hòng mong người ta có cách nhìn khác về dân xứ học này được.
Song Tu: Việc kì thị là không nên, vì dù sao cũng là con dân của tổ quốc. Có thể vì vùng miền khác nhau mà có những nét văn hóa khác nhau hay lối sống khác nhau. Trong xã hội hỗn tạp như thế thì việc tiếp xúc với nhiều loại người là không thể tránh khỏi.
Hương Sen xứ Nghệ
Iphone: Người dân miền Trung quanh năm phải chịu thiên tai trời đất, lại còn nắng nóng của gió lào nữa. Thực ra họ chịu rất nhiều điều thiệt, vì thế họ sinh ra tính đoàn kết cố hữu rất cao. Nhiều doanh nghiệp không muốn nhận người Thanh Nghê Tĩnh bởi lẽ 1 người mà bị làm sao là cả đoàn người cùng hợp lại để bảo vệ. Thế nhưng vì điều đó mà nhiều doanh nghiệp không muốn nhận họ thì cũng không đúng
Boy cubi:Tại sao cũng là những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S, được nuôi nấng bởi người mẹ chung đó là đất nước, tổ quốc Việt. Chúng ta lại không yêu thương, đùm bọc nhau, lại kỳ thị nhau như vậy. Con người Thanh – Nghệ, họ, những con người sinh ra trên mảnh đất cằng cỗi, khó khăn, bươn chải vất vả suốt đời, vì lý do đó nên có hay chăng những đức tính đặc trưng đó là sự tiết kiệm, hay đôi khi là sự ích kỷ. Nhưng đó không phài là vấn đề. Họ cần được tôn trọng và được đối xử bình đẳng. Truyền thống của dân tộc Việt Nam đâu rồi? chúng ta không thể để tiếp tục tình trạng này xảy ra.
Keo mut: Mỗi vùng do cách sống khác nhau, cũng như chịu ảnh hưởng của thời tiết khác nhau nên tính cách sinh ra cũng khác. Người Thanh Nghệ Tĩnh vốn tính cần cù, là nơi giao giữa 2 miền Nam Bắc nên có thể nói họ giống như sự hòa trộn giữa người miền Nam và miền bắc vậy. Tôi thấy hiện nay có nhiều doanh nghiệp không nhận người Thanh Nghệ Tĩnh, thiết nghĩ nó có thể là do bản tính con người họ. Thế nhưng ko thể vì thế mà kì thị họ.
Tôi yêu Thanh Hóa
Nặc danh: Nghệ An_Hà Tĩnh_Thanh Hóa thì đều là người con đất Việt. Đều máu đỏ da vàng, đều có tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người. Làm sao có thể phân biệt đối xử được? Đó chỉ là thành kiến của một số người không có cái nhìn toàn diện về con người xứ Thanh_Nghệ_Tĩnh mà thôi.
Mình là dân miền Bắc thật đấy, nhưng phải nói thật là mình kết cái chất giọng của người con gái xứ nghệ lắm, ôi mình có thể ngồi lặng hằng giờ mà nghe người con gái xứ Nghệ nói được. Rồi những bài hát đi vào lòng người nghe đi nghe lại mà mình cũng không thấy chán…nào thì “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lỉnh, nhớ dòng sông Lam,,,,,ôi nghe hay lắm ý. Cũng không biết do cá nhân mình có cảm tình với vùng đất này hay không mà sao mình thấy nó gần gũi đến thế,,,
Mình có mấy người bạn người Nghệ An, mình cứ bắt chiếc nói giọng địa phương giống họ mà cứ líu hết cả lưỡi, rồi nói toàn sai cứ bò lăn ra mà cười…
Nghệ An còn nổi tiếng với truyền thống yêu nước, với truyền thống hiếu học nữa chứ, có biết bao vị anh hùng dân tộc xuất thân từ vùng đất này? Thanh_Nghệ_Tĩnh là bộ phận quan trọng của khúc ruột miền trung của đất nước ta, xét về vị trí địa lý thì đây là cây cầu nối liền Nam_Bắc thống nhất nước nhà thành một dải.
Trên đây có lẽ chỉ là những tình cảm từ cá nhân mình, và mình tin tất cả moị người cũng đồng cảm với nó, 64 tỉnh thành ta là một, tình yêu không cần cao cả mà chỉ cần những thứ bình dị mà thôi?
Dân Choa 37
Bùi Hường: Mỗi vùng miền có một nét văn hóa đặc trưng, tính cách con người mỗi vùng một khác. Người dân Thanh – Nghệ – Tĩnh đi nơi đâu cũng đông, bởi vì miền trung khắc nghiệt, nghèo khó, người dân phải xa quê hương để đi làm ăn. Người nơi đâu cũng vậy, mỗi người một tính, nơi đâu thì cũng có người thế này thế nọ không thể đánh đồng tất cả được.
Keo mut: Rất nhiều người trí thức được sinh ra trên xứ Thanh Nghệ, cụ Hồ cũng được sinh ra ở xứ Nghệ, ở đó rất lắm người tài. Giống như đã mang nòi giống, chứ mình thấy hiện nay cũng vậy. Ở vùng miền Trung nắng nóng ấy nhưng lại có rất nhiều các bạn trẻ tài năng. Thực sự tôi rất khâm phục con người Thanh Nghệ Tĩnh, bởi lẽ họ là những người chịu nhiều thiên tai, mưa cũng nhiều mà nắng cũng to. Thế nhưng con người miền Trung lại rất cần mẫn lao động
Candy nguyen:Con người thì ai chả có mặt tốt mặc xấu, ở đâu cũng vậy. Con người Thanh Nghệ Tĩnh thiết nghĩ mặt tốt còn hơn mặt xấu, sao chỉ nhìn về mặt xấu của họ mà từ chối không nhận. Như vậy giống như là sự kì thị vậy. Người Thanh Nghệ Hà có tính cố kết rất cao, chính vì cuộc sống của họ khác với vùng miền khác nên sinh ra như vậy. Điều đó đúng là mặt tốt nhưng nó cũng xen lẫn với mặt xấu làm cho nhiều doanh nghiệp kì thị họ. Điều đó các doanh nghiệp nên xem xét lại
Cổ động viên Thanh Hóa
Xabi Alonso: Vùng đất Thanh – Nghệ – Tĩnh đã sản sinh ra biết bao nhiêu tài năng. Những người con vùng đất miền trung khắc nghiệt này luôn luôn biết cách vươn lên vượt qua khó khăn để trở thành người có ích cho đất nước. Tuy nhiên, mỗi vùng miền với mỗi điều kiện riêng nó sẽ dẫn đến những con người có những tính cách đặc trưng riêng. Tôi luôn tự hào khi mình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thanh Hóa anh hùng!
Fs: em chưa tiếp xúc nhiều với dân Nghệ An, nhưng Thanh Hóa thì có nhiều, đa phần là tốt tính, thật lòng & gắn bó với nhau ở 1 cộng đồng. Tuy nhiên mấy người Thanh Hóa này cũng là đã vào trong HCM chục năm nên thay đổi rồi. Papa em làm thầu công trình xây dựng, hễ mà nhận thợ hồ Nghệ An vào, 1 đứa thì không sao, cứ có đứa thứ 2 vào là nó xúm vào bênh nhau ngay, hố hố.
Còn ở quân đội thì chi bộ mà có 1 nhóm dân Nghệ An thì họ luôn bỏ phiếu cho nhau, bất kể đúng sai, cứ quê choa là choa theo. Em nghe thế cũng thấy ớn ớn quê Bác. hố hố.
Tự hào là người Thanh Hóa
Đại Cùn: Thật ra, những thói xấu của dân Nghệ không phải là các nơi không có. Chỉ có điều nó đậm đặc hơn thôi. Người lao động cần được đối xử công bằng, càng kỳ thị, họ lại càng cục bộ.
Ban biên tập: Mỗi người dân chúng ta đều là người Việt, người dân hai xứ này và những nơi khác có rất nhiều đức tính tốt, chúng ta hãy chia sẻ, đồng cảm và yêu thương với mỗi con người họ và người dân các xứ khác trên cả nước. Chúng ta hãy hãy nhìn những điểm tốt của nhau, cùng nhau nhìn về một hướng, xây dựng đất nước Việt hùng cường, văn minh, đừng chia rẽ lòng người!.
Có câu rất hay “xin bạn đừng trách dân tôi, hãy vào miền Trung một lần rồi bạn sẽ hiểu…”
T.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét