Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Từ công nhân trở thành quản lý

TT - Bắt đầu từ vị trí công nhân, nhiều bạn trẻ đã vươn lên bằng thực lực của mình để đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong công ty. Mỗi người một câu chuyện nhưng tất cả đều cố gắng học hỏi không ngừng để thành công.

Lê Nguyễn Bảo Tâm (trái) hướng dẫn nhân viên trong quy trình sản xuất - Ảnh: Ngọc Trường
Chính đời sống khó khăn, xuất phát điểm thấp lại là động lực để họ phấn đấu.
Đi lên từ vị trí thấp
Cuối ngày của chị Lê Thị Cẩm Hương (29 tuổi) thường là lúc 21g, khi đã kết thúc buổi học tiếng Nhật. Ba ngày mỗi tuần, sau giờ làm, chị Hương lại từ Q.7 sang Q.1 (TP.HCM) để kịp giờ lên lớp. Hiện chị đang là quản lý xưởng Công ty OKaYa (đường 18, Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7) và chị bảo học là cách để làm tốt hơn công việc. Nhờ học tập liên tục mà chị Hương đã đi từ công nhân sản xuất lên vị trí quản lý như hôm nay.
Năm 2005, Cẩm Hương là sinh viên năm nhất Trường đại học Ngoại ngữ và tin học TP.HCM, ngành du lịch. Gánh rau của mẹ ở quê từ rạng sáng đến tối mịt phải tằn tiện từng đồng cho bạn ăn học. Chịu không thấu cảnh đó, Cẩm Hương đành nghỉ học, đi làm công nhân, ngày tám giờ cặm cụi trong xưởng.
“Làm tốt hết sức mình có thể” là điều chị dặn mình khi làm việc. Khi được công ty giao kiêm nhiệm việc lưu trữ hồ sơ do thành thạo vi tính, chị ra sức làm thêm giờ để hoàn thành hai việc được giao. Nỗ lực của Cẩm Hương được công ty ghi nhận và dần dà được cất nhắc lên trưởng nhóm, rồi trưởng ca...
Sau ba năm làm công nhân, Cẩm Hương quay lại giảng đường đại học. “Làm công nhân hoài không có trình độ cũng khó đảm bảo được tương lai”, chị nói. Suốt bốn năm sau đó, Cẩm Hương ngày đi làm, đêm lại đến trường, theo học ngành công nghệ thông tin.
Hiện Cẩm Hương đang quản lý 70 công nhân vận hành 250 máy cơ khí. Dù đã có tấm bằng cử nhân công nghệ thông tin, mỗi đêm chị vẫn đến lớp học thêm tiếng Nhật.
Cũng tự nguyện chọn làm công nhân vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Lê Nguyễn Bảo Tâm (26 tuổi) - quản lý xưởng Công ty KaKuSho (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7) - học hết lớp 12 thì đã đi làm. “Lúc đó cứ nghĩ trước nhất kiếm được đồng tiền đã” - chị Tâm nói. Công ty tuyển đầu vào chỉ cần trình độ 9/12, không cần kinh nghiệm, yêu cầu sức khỏe tốt.
Sau gần một năm cần mẫn với công việc, chị được chọn vào vị trí trợ lý trưởng phòng QC (kiểm tra chất lượng sản phẩm). “Ban giám đốc không chọn người quản lý ngay từ đầu mà chọn người gắn bó với công ty để đào tạo quản lý. Chúng tôi đánh giá trong một thời gian dài những người được chọn này để giữ lại hoặc thay thế” - ông Chino Kenji, tổng giám đốc công ty, cho biết.
Khi chị lên trưởng phòng, công việc không còn là mỗi ngày tám giờ. Mọi việc áp lực hơn. Không ít lần sản phẩm lỗi, trễ hạn giao hàng, chị bị ban giám đốc khiển trách. Nhưng mỗi lần sai sót chị có thêm một lần kinh nghiệm để lo chỉn chu hơn công việc sau.
Từ quản lý QC, chị Tâm kiêm luôn quản lý kho và xuất nhập hàng. Chị học thêm vi tính, theo một khóa học kế toán, học tiếng Nhật. Không chỉ vậy, chị Tâm còn tìm hiểu cách quản lý đội ngũ, điều hòa những bất đồng giữa người làm công và ban giám đốc. “Cực nhất vẫn là học làm sếp” - chị nói.
Ông Chino Kenji nhận định về người quản lý của mình: “Cả về tác phong, phong cách làm việc và cách nhắc nhở nhân viên... Tâm đều có đủ năng lực để đảm nhiệm vai trò đó”.
Thành công của nỗ lực
Niềm hạnh phúc của anh Quách Vũ Giang Châu (33 tuổi) - trưởng bộ phận sản xuất Công ty Vỹ Nam Việt (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Q.12) - bây giờ là gia đình nhỏ ấm cúng. “Chăm sóc vợ và lo được cho hai con ăn học, không thiếmẹ tần tảo nuôi bốn anh em. Để có được thành công đó, hơn 10 năm anh Châu không ngừng học và su thốn gì là điều mãn nguyện nhất”, anh Châu nói. Châu sinh ra trong gia đình nghèo, cha mất sớm, áng tạo miệt mài, khẳng định vai trò của mình trong công ty mỗi ngày.
Năm 2002, anh Châu vào công ty làm ở vị trí đứng máy, với đồng lương thấp nhất. Xác định chỉ có thể hơn được người khác bằng kiến thức, anh theo học về điện công nghiệp, điện tử điều khiển, gia công chế tạo máy... Những ngày không đi học đêm, Châu xin tăng ca để vừa có cơ hội thực hành máy móc, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải tiền ăn ở, học phí... Mỗi khóa học kéo dài 18 tháng, nhưng để hoàn thành ba khóa học anh mất đến bảy năm.
Năm 2006, Châu đề xuất cải tạo máy đập dập ba khuôn ba búa lên ban giám đốc. Máy đập dập tại công ty không thể làm ra sản phẩm như yêu cầu, các anh em phải làm thủ công, ngày nào cũng tăng ca đến 21g, vất vả mà hiệu quả không đến đâu - Châu nhớ lại. Sáu tháng sau khi đối mặt với khó khăn, anh trình ban giám đốc bản vẽ chi tiết máy cải tiến và mở ra một quy trình công nghệ mới.
Anh Trần Quang Trí, trưởng phòng nhân sự, người đã dõi theo Châu suốt từ ngày đầu vào công ty đến giờ, nhận định: “Điều đáng quý nhất ở Châu là tinh thần làm việc nghiêm túc, hết mình và lo nghĩ cho công ty. Những gút mắc của công ty Châu đều ra sức tìm cách giải quyết”.
“Hôm nay làm hết sức, ngày mai kết quả sẽ có. Đừng hỏi kết quả là gì, cứ bắt tay vào ngay tức thời thôi” - Châu tâm sự.
NGỌC TRƯỜNG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét