Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Thất nghiệp nhiều - trách nhiệm của riêng ai ?

"Giật mình" với con số gần 25.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, Cử nhân loại giỏi vẫn thất nghiệp, Trên 3.000 cử nhân thất nghiệp đi về đâu?, Mỏi mòn tìm việc, sinh viên ra trường làm công nhân, Con số thất nghiệp “ngoài dự đoán” , … đó là tiêu đề “dật tít” của các báo dantri.com, nld.com.vn, vneconomy.vn, vietnamplus.vn, … qua những con số “ngoài dự đoán” trong các bài báo để nói rằng THẤT NGHIỆP LÀ MỘT TRONG NHỮNG “KẺ THÙ” ĐÁNG GHÉT NHẤT HIỆN NAY.

Vậy tại sao thất nghiệp ? để trả lời câu hỏi này thật sự mất rất nhiều thời gian vì có rất nhiều lý do, theo tôi có những lý do cơ bản sau đây:
Có lẽ đây là nguyên nhân chính dẫn đến thất nghiệp tràn lan vì đa số các Doanh nghiệp đều hạn chế mở rộng quy mô và cắt giảm nhân sự, đặc biệt nhân sự dôi dư của khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể năm 2012 (theo dantri.com, ngày 12/12/2012) đã tác động lớn đến thị trường lao động đầy cạnh tranh như hiện nay. Không có con đường nào khác ngoài việc nhà nước cần có những chính sách ưu đãi và thiết thực để giúp doanh nghiệp thoát “khổ”, hơn nữa mỗi doanh nghiệp cũng cần phải “xóc lại” doanh nghiệp mình thông qua công tác tái cơ cấu, tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm tăng nội lực và phát huy tối đa những nguồn lực hiện có, giảm chi phí, tăng cạnh tranh, …
Hiện nay có một số ngành thì thiếu nhân lực hay còn gọi là ngành “HOT” như: Kỹ sư phần mềm, điện tử, tự động hóa, quản trị nhân sự, … nhưng cũng có nhiều ngành quá dư nguồn lực (gọi là ế) đó là ngành kế toán, ngân hàng, kinh doanh, đặc biệt các ngành mà không cụ thể về tính chuyên môn của nghề nghiệp, các Trường từ đại học, đến cao đẳng, xuống trung cấp đều có đào tạo những ngành này, như vậy đã mất cân bằng về nguồn lực theo nhu cầu thị trường, cần sự tuyên truyền, phân tích về định hướng phát triển, nhu cầu nguồn lực trong từng giai đoạn để giúp các em định hướng tốt hơn, hơn nữa Bộ giáo dục và đào tạo cũng cần quan tâm điều chỉnh về chỉ tiêu tuyển sinh các ngành tại tất cả các trường trong cả nước cho phù hợp.
Thất nghiệp - cửa hẹp cho nhiều người
Trãi qua gần 20 năm trong thực tế, đặc biệt chuyên về công tác hành chính – nhân sự tại các tập đoàn trong và ngước ngoài, tôi có thể khẳng định sinh viên mới ra trường chỉ đáp ứng khoảng từ 30 % yêu cầu công việc của Doanh nghiệp, Bạn nào giỏi thì khả năng đáp ứng vào khoảng 50% yêu cầu công việc là quá cao. Do vậy, khi doanh nghiệp đồng ý tuyển sinh viên mới ra trường thì họ xem như “tờ giấy trắng” tuyển vào để đào tạo. Vậy sinh viên mới ra trường thiếu những gì ? Cái đầu tiên cần phải đề cập đó là trình độ chuyên môn được học còn xa thực tế, chủ yếu là mặt lý luận và thiên về nghiên cứu, thêm nữa là thiếu kỹ năng, sự tự tin cần thiết để nhanh chóng hội nhập với công việc mới, môi trường mới. Một điểm yếu “chết người” nữa đó là sinh viên có quá nhiều mơ mộng, có quá nhiều ước muốn như được hưởng lương cao, chế độ tốt, môi trường làm việc thân thiện, được phát triển, …(tôi muốn, tôi muốn và tôi muốn) mà thiếu sự chia lửa với những khó khăn của doanh nghiệp.  Do đó nhà nước cần phải xem xét một cách tích cực về công tác đào tạo hiện nay để có những thay đổi toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ Giảng viên làm sao để  giỏi về lý thuyết, giàu kinh nghiệm thực tế; đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và phương pháp quản trị hiện đại, giàu tính thực tế.
Phải khẳng định rằng nguồn nhân lực là tài sản quý nhất của mỗi doanh nghiệp, doanh nghiệp nào có được nguồn nhân lực phù hợp sẽ nâng cao vị thế cạnh tranh, thông qua năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giảm chi phí và đặc biệt là tạo dựng được môi trường làm việc hài hòa, thân thiện, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có được điều đó ngoài sự nhìn nhận và đầu tư một cách bài bản từ các doanh nghiệp thông qua công tác đào tạo cả chuyên môn lẫn kỹ năng thì chính bản thân người lao động cũng cần cố gắng học tập, nghiên cứu để nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao để cùng với doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng này. Đây cũng chính là cách mà người lao động giữ được việc làm, tránh đối diện với “kẻ thù” lớn nhất hiện nay đó là thất nghiệp.
Như vậy, để giải quyết bài toán thất nghiệp tràn lan như hiện nay trách nhiệm không thuộc về riêng ai mà cần đến sự nỗ lực từ cả hệ thống chính trị, từ mặt chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, từ sự cố gắng của doanh nghiệp và đặc biệt là vai trò của người lao động trong mỗi doanh nghiệp. Đây chính là những giải pháp cần thiết cho việc ổn định tình hình xã hội, chăm lo đời sống của người lao động.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét