Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Làm gì khi mắc lỗi trong cuộc phỏng vấn xin việc

Bạn là người mắc lỗi

 Các ứng viên khi phỏng vấn thường dễ mắc sai lầm do áp lực tâm lý và thiếu hụt kỹ năng. Lắm lúc cái giá phải trả cho những sai lầm đó lại không hề nhỏ chút nào. Làm cách nào để bạn có thể “cứu vãn” được tình thế?

1. Xin lỗi
“Những người phỏng vấn có thể dễ dàng bỏ qua sai lầm của ứng viên, chứ không ‘khó đăm đăm’ như những gì chúng ta thường hay nghĩ về họ,” Marc Dorio, tác giả quyển sách The Complete Idiot’s Guide to the Perfect Job Interview , chia sẻ. “Điều này chứng tỏ nếu trở thành nhân viên chính thức, bạn sẽ trung thực và thừa nhận khi mắc lỗi thay vì che giấu hay bao biện cho hành động sai lầm của mình”.
Dorio cũng khuyên bạn nên nói mình đã rút ra được bài học gì từ sai lầm đó. Chẳng hạn nếu bạn tới cuộc phỏng vấn trễ, sau lời xin lỗi, hãy nói “Giờ tôi đã biết mình nên xuất phát sớm hơn khi lái xe vào thành phố ngày đầu tuần”.
Kỹ năng phỏng vấn
2. Không tập trung quá lâu vào sai lầm
Nếu nói những điều không nên nói hoặc hành động một cách ngớ ngẩn, hãy giải thích nhanh và quay trở lại câu chuyện chính.
3. Giữ bình tĩnh
Mất bình tĩnh là phản ứng dễ thấy ở một người vừa mắc sai lầm. Hãy cố gắng trấn tĩnh ngay sau đó.
Nếu đến trễ, hãy thể hiện sự tôn trọng đối với người phỏng vấn bằng cách gọi điện thoại báo tin, nói xin lỗi và trong trường hợp xấu nhất, xin một cuộc hẹn khác.
Nếu nhầm lẫn sản phẩm của công ty với một đối thủ cạnh tranh khác, hãy nhanh chóng xoay chuyển tình thế “Xin lỗi. Dĩ nhiên là tôi biết ABC là sản phẩm của công ty mình”, sau đó tiếp tục chia sẻ hiểu biết của bạn về thị trường.
Nếu bạn quên mang hồ sơ đến buổi phỏng vấn, theo John Scanlan, trợ lý giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ sinh viên tại Đại học bang Cleveland, bạn có thể “chữa cháy” như sau: “Tôi không mang theo hồ sơ và danh sách người tham khảo vì tôi muốn thể hiện thực chất những kỹ năng thực tế cũng như thành tựu mà tôi đã đạt được. Tôi sẽ bổ sung hồ sơ cụ thể và chi tiết sau.”
Viết thư cám ơn sau buổi phỏng vấn
 4. Không tuyệt vọng phớt lờ tình huống
Nếu phát hiện lỗi ngay trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể nhanh chóng giải quyết như trên. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn chỉ nhớ ra sai lầm của mình sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn? Đừng vội tuyệt vọng cho rằng mình không thể làm được gì để “chữa cháy”.
John Scanlan, trợ lý giám đốc trung tâm việc làm thuộc Trường đại học Cleveland, Mỹ, lưu ý: “Bạn có thể nói tới sai lầm của mình trong thư cảm ơn người phỏng vấn. Hãy nhớ trình bày vấn đề một cách tích cực để anh/cô ấy biết được bạn không phớt lờ hay cố tình che giấu những gì mình làm chưa đúng”.
Những người tuyển dụng cố tạo ra tình huống 
Đôi khi người gây ra bế tắc trong cuộc phỏng vấn không phải do bạn mà do chính người phỏng vấn. Anh/cô ấy đã tạo thêm áp lực và thử thách cho bạn trong quá trình tìm việc hoặc đơn giản họ không giống như những người phỏng vấn bình thường.
Kỹ năng phỏng vấn
Người phỏng vấn cẩu thả
Kiểu người phỏng vấn này đến muộn, hoàn toàn không chuẩn bị, quên CV của bạn, thậm chí còn đến nhầm phòng phỏng vấn.
Giải pháp: Hãy để người phỏng vấn có thời gian ổn định lại mọi thứ. Chuyên gia nghề nghiệp Joanne Meehl đưa ra lời khuyên: “Bạn cũng có thể mở đầu buổi nói chuyện bằng lời hỏi thăm “Chắc hẳn anh/chị rất bận rộn với những công việc quan trọng”.
Sau những cuộc nói chuyện ngoài lề, hãy dẫn dắt người phỏng vấn trở lại hiện thực. Bạn cần nói một cách thân thiện, chuyên nghiệp về sự phù hợp của mình với công việc và công ty. Đặc biệt, không được tỏ thái độ coi thường hay chủ quan khi người phỏng vấn chưa chuẩn bị.
Người phỏng vấn nói nhiều
Bạn có thể gặp phải nhà tuyển dụng nói quá nhiều về công việc, công ty và rất nhiều vấn đề khác đến nỗi không cho bạn thời gian để “PR” bản thân.
Giải pháp: “Sẽ có những thời điểm người phỏng vấn dừng lại khỏi bài nói chuyện dài của mình và đây là lúc bạn tận dụng để xoay ngược tình thế”
Hãy đặt câu hỏi cho người phỏng vấn và bổ sung những ưu điểm của bản thân. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi: “Anh/chị có thể mô tả cơ cấu tổ chức và hoạt động chung của văn phòng mình? Trong công việc trước đây, tôi đã tạo ra một bảng lịch chung để tất cả mọi thành viên ghi lại nhiệm vụ của mình và vì thế mà không ai lỡ thời hạn hoàn thành. Liệu công ty mình có khuyến khích những sáng kiến như vậy hay không?”.
Ngoài ra, bạn có thể đưa cho người phỏng vấn đọc những bằng cấp, chứng chỉ, danh sách những thành tựu của bạn. Đừng để anh/cô ấy độc thoại dẫn tới không có cơ hội cho bạn chứng tỏ khả năng của mình.
Người phỏng vấn thiếu năng lực
Đây là người phỏng vấn không nắm rõ nhiệm vụ của mình, đặt ra những câu hỏi không liên quan và tỏ ra lúng túng. Có thể anh/cô ấy bị ép buộc phải thực hiện cuộc phỏng vấn.
Giải pháp: Trong trường hợp này, bạn nên chủ động kiểm soát cuộc phỏng vấn một cách khéo léo. Hãy đặt ra những câu hỏi về công việc, công ty và thuyết phục anh/cô ấy bằng những kỹ năng, kinh nghiệm, thành tích xuất sắc của bạn.
Dù gặp phải kiểu người phỏng vấn thiếu chuyên nghiệp tới đâu, yếu tố quan trọng nhất là phải vững thái độ chuyên nghiệp. Vượt qua thử thách này, bạn sẽ có thêm tự tin để chinh phục nhà tuyển dụng và làm việc tốt hơn trong tương lai.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét